Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Nguồn gốc tôn giáo và sự phát triển của khoa học và tôn giáo trong thời đại ngày nay


A - MỞ ĐẦU :

 

 

          Thế giới chúng ta đang sống đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 – một thế kỷ được dự đoán là văn minh – khoa học nhất, với sự bùng nổ của tin học và nền kinh tế tri thức. Kể từ sau thế chiến thứ 2, xu hướng toàn cầu hóa triệt để tạo bước nhảy mạnh mẽ thay đổi cuộc sống con người theo xu hướng ngày càng vững mạnh, hiện đại và nhanh chóng, thuận tiện trong mọi lĩnh vực của đời sống sinh hoạt con người. Bối cảnh kinh tế thế giới kéo theo sự chuyển biến không nhỏ về văn hóa, trong đó có cả tôn giáo. Có nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo được đặt ra. Tôn giáo đã và đang trở thành một vấn đề đáng được quan tâm đến trong bối cảnh thế giới hiện tại.

          Tôn giáo từ xưa đến nay, tôn giáo là vấn đề thiết yếu và đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội của nhân dân trên khắp thế giới. Ngày nay, trong nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trước nhân loại, vấn đề tôn giáo càng được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết. Các hiện tượng phong trào tôn giáo mới ra đời vừa phản ánh tình trạng khủng hoảng toàn cầu hiện nay, vừa phản ánh sự suy giảm của các tôn giáo chủ lưu, tinh thần khô đạo, nhạt đạo trong tôn giáo, hiện tượng phát triển bùng nổ của đạo hồi trên toàn thế giới cũng là câu hỏi được đặt ra cho nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo. Bên cạnh đó, hiện tượng mê tín dị đoan, những hoạt động kỳ quái biến thể từ tôn giáo… tất cả đang đưa tôn giáo trở thành một bài toán khó, thách đố chúng ta.

          Nghiên cứu tôn giáo là 1 giải pháp đúng đắn, và quan trọng nhất là để chúng ta có 1 cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề tôn giáo. Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, tôn giáo đã, đang và sẽ tồn tại cùng với sự phát triển của đời sống xã hội loài người. Tôn giáo là 1 hiện tượng xã hội, sinh ra trong xã hội, lớn lên trong xã hội nên quá trình biến đởi của tôn giáo có quan hệ liên tục với xã hội, cũng có ý nghĩa rằng tôn giáo và xã hội là 2 phậm trù có mối liên hệ gắn liền với nhau, không thể chia cắt được. Chính vì thế, nghiên cứu nguồn gốc của tôn giáo là cơ sở khoa học lý luận đầu tiên để chúng ta nhìn nhận, đánh giá sự tồn tại của tôn giáo trong thời đại ngày nay cùng những vấn đề tôn giáo phát sinh.

Trong tình hình tồn tại và phát triển của tôn giáo hiện nay, nghiên cứu lại 1 trong những vấn đề cơ bản của tôn giáo học Mác-xít là vấn đề nguồn gốc của tôn giáo giúp chúng ta đưa ra được những đánh giá đúng đắn, mới mẻ về sự tồn tại của tôn giáo trong thời đại ngày nay, đúng với quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo và phù hợp với thực tiễn, bối cảnh xã hội hiện tại. Đặc biệt, đi sâu và làm sáng tỏ nguồn gốc xã hội của tôn giáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về qua trình hình thành và phát triển của tôn giáo, những điều kiện, cơ sở để tôn giáo có thể được tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, trong bài nghiên cứu này, em đã chọn đề tài: “ Nguồn gốc xã hội của tôn giáo và những vấn đề liên quan”. Trong phạm vi kiến thức còn hạn hẹp, mục đích chính của em là nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc của tôn giáo, mấu chốt là nguồn gốc xã hội của tôn giáo, đưa ra được những chứng cứ thực tiễn chứng minh cho quan điểm, bên cạnh đó đưa ra các ý kiến xung quanh vấn đề sự phát triển của khoa học và tôn giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B – NỘI DUNG :

1.    Bản chất của tôn giáo

Trước khi tìm hiểu về nguồn gốc xã hội của tôn giáo thì trước hết, ta hãy đi vào tìm hiểu sơ qua về bản chất của tôn giáo, qua đó có một cái nhìn rõ nét nhất về các vấn đề liên quan đến phạm trù này.

Tôn giáo là 1 hiện tượng lịch sử thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Trên thế giới có tới hàng nghìn loại hình tôn giáo khác nhau. Do cách tiếp cận, mục đích nghiên cứu khác nhau, cách hiểu về tôn giáo vì vậy cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ, quan điểm Mácxít về bản chất của tôn giáo chúng ta mới hiểu rõ nét được bản chất của tôn giáo. Tôn giáo, về bản chất, không phải sản phẩm của thần thánh, cái siêu nhiên thần bí mà là sản phẩm của xã hội. Tôn giáo là hiện tượng thuộc đời sống tinh thần của xã hội, chịu sự quy định của đời sống vật chất. Ở đây không phải tinh thần, ý thức quyết định đời sống hiện thực mà ngược lại, ý thức, trong đó có ý thức tôn giáo, chỉ là ý thức cá nhân, cộng đồng người trong xã hội, phản ánh tồn tại xã hội.

Trong các tác phẩm của mình, C.Mác và Ăngghen đều xem sản xuất vật chất là cơ sở của sự hình thành và phát triển của các hiện tượng mang tính lịch sử xã hội, trong đó có tôn giáo. Tôn giáo là một hiện tượng lịch sử, một sản phẩm của thời đại lịch sử nhất định.

 

2.    Nguồn gốc xã hội của tôn giáo

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội nảy sinh trên cơ sở kinh tế - xã hội và chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Do đó, đi tìm nguồn gốc sự hình thành của nó không phải là bắt đầu đi tìm từ trong “ý thức” mà phải đi từ trong lịch sử xã hội, lịch sử hoạt động thực tiễn của con người.

Tôn giáo ra đời và phát triển được như ngày hôm nay phải nhờ đến rất nhiều những điều kiện cụ thể, cả những điều kiện chủ quan lẫn khách quan. Những điều kiện ấy tác động trực tiếp đến con người (chủ thể tiếp nhận tôn giáo) khiến cho niềm tin tôn giáo hình thành trong nhận thức của con người, để rồi con người bộc lộ nó ra thành những hành động cụ thể. Lần mò về những ngày đầu tôn giáo mới hình thành, ta tìm hiểu sau hơn về nguồn gốc của tôn giáo, đặc biệt là nguồn gốc xã hội của tôn giáo.

-        Sự bất lực của con người trước những yếu tố tự nhiên

Lịch sử xã hội loài người là lịch sử phát triển kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế xã hội. Hình thái kinh tế xã hội cộng sản nguyên thủy ra đời trên cơ sở nền sản xuất hết sức kém, thô sơ. Dựa trên nền kinh tế tự nhiên, con người sinh tồn bằng cách săn bắt hái lượm là chính, do chưa có sự phát triển về công cụ lao động cũng như kỹ thuật sản xuất trồng trọt - chăn nuôi. Cuộc sống của con người lúc bấy giờ lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Quan hệ giũa các thành viên trong thị tộc, bộ lạc là quan hệ bình đẳng, hợp tác trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Do lực lượng sản xuất thấp kém, giới tự nhiên kỳ bí bao quanh con người là 1 mối đe dọa lớn trực tiếp đến cuộc sống của con người. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người phải đối mặt với những thiên tai bất ngờ ập đến như: mưa, bão lũ, động đất, sóng thần, hạn hán, thú dữ, bệnh tật… Những yếu tố tự nhiên này luôn rình rập, trực chờ để nuốt chửng con người. Con người cảm thấy bản thân vô cùng bé nhỏ và bất lực trước tự nhiên, con người chưa có đủ khả năng và sức mạnh để có thể kiểm soát, làm chủ được tự nhiên, con người bị  khuất phục trước tự nhiên. Vì vậy, đối mặt với những vấn đề nguy cấp mà giới tự nhiên gây ra, con người chỉ có 1 sự lựa chon duy nhất đó chính là tôn thờ các yếu tố tự nhiên ấy. Con người thần thánh hóa sức mạnh to lớn của tự nhiên, nhân hóa những thế lực của tự nhiên, biến những thế lực ấy thành những vị thần có tư duy. Sau đó con người lại cầu xin sự che trở, cứu giúp của những thế lực được thần thánh hóa đó, ở mỗi một quốc gia, tộc người khác nhau, họ cầu xin dưới nhiều hình thức khác nhau tuy nhiên mục đích chung vẫn là cầu nguyện cho giới tự nhiên không làm khó cuộc sống sinh hoạt của con người. Ph. Ăngghen cho rằng: “trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chính những lực lượng thiên nhiên là những cái trước tiên được phản ánh như thế, và trong quá trình phát triển hơn nữa thì ở những dân tộc khác nhau, những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân cách hóa một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp”.

-        Sự bất lực của con người trước các thế lực xã hội

Về sau, trong xã hội có giai cấp thì cùng với lực lượng bí ẩn của giới tự nhiên là lực lượng mang tính xã hội luôn thống trị cuộc sống hàng ngày của quần chúng nhân dân. Ph. Ăngghen cho rằng: “ chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động – những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xã lạ, lúc đầu không thể hiểu được đối với họ, và cũng thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như những lực lượng tự nhiên vậy. Những nhân vật ảo tưởng lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế có cả nhứng thuộc tính xã hội và trở thành đại biểu cho các lực lượng lịch sử”.

Bế tắc trong đời sống hiện thực, con người tìm đến sự giải thoát trong đời sống tinh thần, họ tìm đến tôn giáo. Khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, giai cấp đã được hình thành, đối kháng giai cấp nảy sinh, các mối quan hệ trong xã hội ngày càng phức tạp, và con người ngày càng chịu sự tác động của các yếu tố tự phát ngẫu nhiên, may rủi… nằm ngoài ý muốn và khả năng điều chỉnh của con người với những hậu quả khó lường. Sự bần cùng về kinh tế, nạn áp bức về chính trị, sự hiện diện của những bất công xã hội cùng với những thất vọng, bất hạnh trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp bị trị,…Tất cả những yếu tố đó con người quy về số phận và địch mệnh, từ đó họ đã thần thánh hóa một số người thành những thần tượng có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động người khác. Đây cũng là những nguyên nhân xã hội làm nảy sinh tôn giáo trong xã hôi loài người. V.I. Lênin cho rằng sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp bóc lột tất yếu sẽ nảy sinh ra 1 niềm tin, một niền hy vọng về 1 cuộc sống tốt đẹp hởn thế giới bên kia, cũng giống y như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép màu”.

Mặt khác, trong những trường hợp cụ thể nào đó, sự xuất hiện của tôn giáo là để phục vụ cho những yêu cầu kinh tế-xã hội cụ thể. Điều này thể hiện rõ nét ở 1 số tôn giáo, khi những yêu cầu, mục đích kinh tế xã hội bị “tôn giáo hóa” qua những nội dung giáo lý, cách thức hành lễ, tu trì.

Theo Ph.Ăngghen, “ trong xã hội tư sản hiện nay, con người bị thống trị bởi những quan hệ kinh tế do chính họ tạo ra, bởi những tư liệu sản xuất do chính con người sản xuất ra, như là một lực lượng xa lạ. Do đó, cơ sở thực tế của những phản ánh có tính chất tôn giáo của hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại và cùng với cơ sở đó thì chính ngay sự phản ánh của nó trong tôn giáo cũng tiếp tục tồn tại”.

Trong những thập kỷ gần đây, với sự phát triển của điều kiện kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được đảm bảo, con người có điều kiện hơn trong việc quan tâm và giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh. Đây cũng là nguyên nhân cho sự nảy sinh, phát triển nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng và xuất hiện những loại hình tôn giáo mới.

Như vậy, có thể nói ngồn gốc xã hội của tôn giáo là tính hạn chế của lực lượng sản xuất kéo theo sự hạn chế trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. C. Mác cho rằng tính hạn chế thực tế đó đã phản ánh vào trong những tôn giáo cổ đại, thể hiện sự bất lực của con người trước những sức mạnh đang thống trị con người.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy được rằng: Tôn giáo được sinh ra là nhờ đến nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, tuy nhiên xét về nguồn gốc xã hội của tôn giáo thì ta có thể kể đến hai yếu tố chính làm nên sự ra đời và tồn tại của tôn giáo trong xã hội loài người. Thứ nhất, do sự hạn chế về khả năng chinh phục của con người trước sức mạnh tự phát của giới tự nhiên hay xã hội đã khiến cho con người sợ hãi, con người cảm thấy bản thân nhỏ bé trước những sức mạnh to lớn ấy, từ đó dẫn tới sự hình thành tín ngưỡng và cao hơn nữa là sự ra đời và tồn tại của tôn giáo. Thứ hai, trong xã hội có sự thống trị của các giai cấp áp bức bóc lột, giai cấp này đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo,… để ru ngủ sự phản kháng của nhân dân lao động trước những bất công, sự bóc lột áp bức đó.

 

 

 

3.    Ví dụ cụ thể về 1 tôn giáo đã được học để chúng minh cho các vấn đề vừa phân tích.

Thông qua quá trình học tập và tìm hiểu, nhận thấy được Ấn Độ giáo là một tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông đảo và Ấn Độ giáo có sự ảnh hưởng to lớn đối với nhiều quốc gia trong khu vực, cho nên trong phần bài làm này, em căn cứ vào Ấn độ giáo để chứng minh cho những vấn đề mà em vừa nêu ở phần trên.

Nền văn minh Ấn Độ là một nền văn minh nổi tiếng và thuộc vào những nền văn minh cổ nhất thế giới. Trong quá trình hình thành và phát triển, Ấn Độ đã được mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhiều những điều kiện thuận lợi phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi mà mẹ thiên nhiên ban tặng, cũng không ít lần mẹ thiên nhiên đã trút cơn giận dữ xuống vùng đất thiêng liêng này, khiến cho vùng đất nơi đây phải chịu những trận thiên tai vô cùng khốc liệt. Chúng ta có thể kể đến một vài loại thiên tai mà người dân Ấn Độ phải hứng chịu, bên cạnh đó là những giải pháp tâm linh mà người dân nơi đây thực hiện để khắc phục những thiên tai đó.

Thiên tai ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc sống của người dân Ấn Độ đó chính là hạn hán. Ấn Độ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Đời sống của người dân nơi đây vì hạn hán mà phải chịu những khó khăn , đau khổ. Hạn hán ở Ấn Độ đã dẫn đến hàng chục triệu người chết trong suốt các thế lỉ 18, 19, 20. Nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, mùa hè là mùa mưa với gió mùa tây nam cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho các vụ mùa ở Ấn Độ. Ở một số vùng ở Ấn Độ, đặc biệt là các vùng hạn hán lớn như Đông nam Maharashtra, bắc Karnataka, Odisha,…Sự thiếu hụt của gió mùa dẫn đến tình trạng thiếu nước, khiến sản lượng cây trồng dưới mức trung bình. Ấn Độ là một đất nước lấy nông nghiệp làm mục tiêu phát triển kinh tế, hạn hán kéo dài khiến cho nền kinh tế Ấn Độ bì tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân Ấn Độ. Trước đây, hạn hán kéo dài dẫn đến nạn đói ở Ấn Độ nhiều lần, bao gồm nạn đói ở Bengal năm 1770, trong đó đến một phần ba dân số ở các khu vực bị ảnh hưởng; nạn đói năm 1876-1877, trong đó hơn năm triệu người đã chết và nạn đói năm 1899, trong đó hơn 4,5 triệu người chết. Không chỉ riêng hạn hán, có rất nhiều những loại hình thiên tai mà người dân Ấn Độ phải đới mặt như bão lũ, lũ lụt, động đất, dịch bệnh,… Sự thiệt hại mà thiên tai gây ra cho người dân Ấn Độ là vô cùng to lớn, từ đó ta thấy được sự nhỏ bé của người dân nơi đây trước sức mạnh to lớn của thiên nhiên. Người dân Ấn Độ đã tìm kiếm nhiều giải pháp, đặc biệt là những giải pháp tâm linh mà họ cho rằng có thể ngăn chặn được những trận thiên tai. Họ đã lập nhiều đền thờ, tạo ra các vị thần tượng trưng cho các nguyên tố như Đất, nước, lửa, khí,… Mục đích của họ là thờ cúng, cầu nguyện để đáp ứng được nhu cầu của bản thân.

Trong Ấn Độ giáo, con người đã tạo ra rất nhiều những vị thần khác nhau đại diện cho các thế lực, sức mạnh siêu nhiên khác nhau. Trong bối cảnh cuộc sống của người dân Ấn Độ phải chịu nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, mùa màng đói kém thì người dân Ấn Độ đã có những giải pháp tâm linh, thờ cúng một vị thần đó chính là Thần Mariamman- vị thần của mùa màng bội thu. Mariamman là một vị nữ thần mang tính mẫu trong Ấn Độ giáo, phổ biến ở miền Nam Ấn Độ. Có nhiều sự tích khác nhau nhưng nhìn chung, thần Mariamman là một vị thần mưa. Vị thần này có khi được miêu tả là một vị thần có bộ mặt hơi đỏ, có khi được miêu tả chỉ là một khối đá cương sắc nhọn như lưỡi mác. Nhiều người vẫn thường cầu khấn thần giúp cho bách bệnh tiêu tan và vạn sự như ý, trong đó có cả việc sinh con, hỏi vợ hoặc lấy chồng. Ngoài ra, vị thần này còn là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ. Sự ảnh hưởng của thần Mariamman là rất lớn, vị thần này còn được thờ tự ở nhiều khu vực xung quanh ngoài Ấn Độ như ở Việt Nam, Singapore,…

Bên cạnh vị thần mùa màng- thần Mariamman thì chúng ta không thể không nhắc đến vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, một vị thần được người dân Ấn Độ vô cùng kính trọng và tôn thờ, đó chính là thần Vishnu. Thần Vishnu là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Ngài cùng với thần Brahma và thần Shiva được gọi chung là Trimurti- ba vị thần điều khuyển vũ trụ này. Thần Vishnu là vị thần có tầm quan trọng bậc nhất trong thần thoại Hindu (đôi khi còn hơn cả thần Brahma). Vishnu được mệnh danh là đấng bảo hộ của vạn vật, ngài là vị thần bảo vệ cho thế gian tránh khỏi cái ác và tai họa, ngài thường xuất hiện trong nhiều hóa thân khác nhau, xuống trần gian giúp con người chống lại ma quỷ. Trong các bức tranh miêu tả thần Vishnu, người ta thường vẽ thần nằm ngủ trên thân con rắn nghìn đầu Adhi Sesha và vợ ngài- nữ thần Laskshmi ngồi bên cạnh bóp chân cho ngài. Trên thực tế, theo giáo phái Vaishnavism thì lại coi vị thần này mới là Đấng tối cao trong cả vũ trụ. Thậm chí họ còn kể rằng thần Brahma được sinh ra từ một đóa sen mọc ra từ chính lỗ rốn của thần Vishnu.

Đây chính là bằng chứng điển hình cho luận điểm: con người bất lực trước sức mạnh của tự nhiên, đối mặt với những vấn đề nguy cấp mà giới tự nhiên gây ra, con người chỉ có 1 sự lựa chon duy nhất đó chính là tôn thờ các yếu tố tự nhiên ấy. Con người thần thánh hóa sức mạnh to lớn của tự nhiên, nhân hóa những thế lực của tự nhiên, biến những thế lực ấy thành những vị thần có tư duy. Sau đó con người lại cầu xin sự che trở, cứu giúp của những thế lực được thần thánh hóa đó.

Tiếp theo, về nội dung “ Sự bất lực của con người trước các thế lực của xã hội”. Trong xã hội Ấn Độ, từ xã xưa đã tồn tại 1 chế độ phân chia đẳng cấp. Chế độ phân chia đẳng cấp này mang tên là Varnas. Hệ thống phân chia đẳng cấp-Varnas ở Ấn Độ là một ví dụ dân tộc học mẫu mực về đẳng cấp. Đẳng cấp là các nhóm xã hội cứng nhắc được cha truyền con nối về phong cách, nghề nghiệp và vị trí xã hội. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, và được biến đổi bởi nhiều tầng lớp cai trị khác nhau ở Ấn Độ thời trung cổ, sơ khai và cận đại, đặc biệt là Đế quốc Mughal và Raj thuộc Anh. Ngày nay nó là cơ sở của các chương trình hành động khẳng định ở Ấn Độ Khoảng năm 2000 TCN, Ấn Độ thuộc về người Aryan là bộ lạc du mục có ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn – Âu xâm nhập. Người Aryan đến Ấn Độ định cư, phát triển sản xuất nông nghiệp, dùng trâu bò làm sức kéo. Họ tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chinh phạt, đàn áp người bản địa, gọi người bản địa là “đa xa” (kẻ địch). Phần lớn dân bản địa bị người Aryan giết hại, một số bị bắt làm nô lệ, một số bỏ trốn. Dưới sự cai trị của người Aryan, khoảng 1.000 năm TCN, ở Ấn Độ, Hindu giáo trở thành tôn giáo chính và chế độ phân biệt đẳng cấp (Varnas) bắt đầu xuất hiện rõ nét, được chế định hóa trong bộ luật Manu nổi tiếng. Theo đó, đẳng cấp cao nhất là những người Bà-la-môn (Brahman), gồm các tăng lữ trông coi những việc tế lễ tôn giáo và các triết gia, học giả. Họ thâu tóm quyền lực trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo một số tham gia vào công việc triều chính như cố vấn, niệm thần chú, v.v… Họ tự nhận mình là hạng cao thượng, sinh từ miệng Phạm Thiên (Brahma – Đấng Tối cao của Hindu giáo) thay Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất. Đẳng cấp thứ hai là Sát-đế-ly (Kshastriya), là những võ sĩ. Họ tự cho mình sinh từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Họ họp thành tập đoàn quý tộc quân sự – hành chính, nắm quân đội và chính quyền. Nhà vua thường là người thuộc tầng lớp này. Tầng lớp thứ ba là Vệ-Xa (Vaisya), người bình dân, gồm những người làm nghề nông và chăn nuôi, buôn bán. Họ thuộc tầng lớp bình dân, có một số giàu có lên. Tuy họ không có được đặc quyền trong xã hội, phải nộp sưu thuế phục vụ lớp người bóc lột thuộc hai tầng lớp trên, song họ vẫn có thân phận tự do. Đẳng cấp thứ tư là Thu-Đà-La (Soudra), là những tiện dân và nô lệ. Họ được giáo dục rằng mình sinh từ gót chân Phạm Thiên, nên thủ phận làm khổ sai suốt đời cho các giai cấp trên. Họ làm những công việc nông tang, đánh cá, săn bắn và những việc nặng nhọc khác nhưng ở vào địa vị thấp kém nhất, không được pháp luật bảo hộ, không được tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Nếu một người Thu-Đà-La dám cả gan nghe trộm tụng kinh sẽ bị đổ thiếc nung chảy vào tai. Đẳng cấp thứ năm là Ba-ri-a (Pariah), giống người cùng khổ, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, vô cùng khổ nhục, tối tăm.

Chế độ phân biệt đẳng cấp được coi là bất biến, áp dụng từ khi mỗi người được sinh ra. Người ở đẳng cấp dưới có nghĩa vụ buộc phải tôn kính những người ở đẳng cấp trên. Kinh của Hindu giáo từng ghi rõ: “Một người Bà-la-môn dưới 10 tuổi cũng có thể coi là cha của một kẻ ở các đẳng cấp dưới, dầu cho kẻ ấy đã 100 tuổi”. Người thuộc đẳng cấp thấp không được có quyền kết hôn với những người thuộc đẳng cấp cao hơn. Những người ở đẳng cấp trên có quyền lấy người ở cấp dưới làm vợ. Nếu người đàn ông lớp dưới dám lấy một phụ nữ ở đẳng cấp trên, thì con cái họ sẽ bị xếp vào hạng tiện dân. Ngày nay, mặc dù không còn được chính thức công nhận nhưng chế độ phân biệt đẳng cấp vẫn có ảnh hưởng sâu đậm đến xã hội Ấn Độ, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn.

Chính sự tồn tại của hệ thống đẳng cấp Varnas đã khiến cho sự mâu thuẫn của các tầng lớp đẳng cấp trở nên ngày càng gay gắt. Các tầng lớp thống trị ở trên sử dụng tôn giáo như một thứ công cụ nhằm kiểm soát, răn đe, đe dọa tầng lớp dưới. Các tầng lớp trên sử dụng tôn giáo nhằm mục đích chuộc lợi về bản thân. Các tầng lớp thấp kém bên dưới do chịu sự quy định của xã hội nên cam tâm để cho tầng lớp trên bóc lột, khiến cho cuộc sống của họ giống như địa ngục, vô cùng khó khăn và vất vả.

Đối mặt với những bất công xã hội, không tìm kiếm được sự an ủi nào khác ngoài sự an ủi từ tôn giáo, người dân Ấn Độ tìm đến Ấn Độ giáo như một liều thuốc an thần, giúp họ giải tỏa được những căng thẳng áp lực trong cuộc sống. Người Ấn Độ thực hiện những nghi lễ lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu tâm linh, phải kể đến những nghi lễ lớn như: lễ hội tắm sông hằng, lễ hội ánh sáng Diwali, lễ hội màu sắc Holi và hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác nhau…

Lễ hội Diwali được biết đến là lễ hội truyền thống lớn nhất tại Ấn Độ. Còn được nhiều người gọi bằng một cái tên khác là "Lễ hội của những chiếc lồng đèn" bởi ánh sáng rực rỡ mà nó mang lại cho lễ hội. Diwali cũng giống như tết Nguyên Đán của Việt Nam. Là một lễ hội ăn mừng năm mới của những người theo đạo Hindu. Là dịp để mọi người cầu bình an, nguyện ước sức mạnh chính nghĩa sẽ đẩy lùi bóng tối và nghèo đói, mang đến cuộc sống ấm no. Lễ hội Diwali sẽ kéo dài trong khoảng thời gian là 5 ngày. Bắt đầu từ đêm 28 của tháng Ashwin- tháng 10, cho tới ngày thứ 2 của tháng Kartika- tháng 11 trong lịch Ấn Độ. Mỗi ngày của lễ hội đều mang đến một ý nghĩa và tên gọi khác nhau. Ngày thứ nhất dành để ăn mừng cho sự giàu có và thịnh vượng, gọi là Dhanteras. Ngày thứ hai gọi là Choti Diwali.Và ngày lễ Diwali chính diễn ra vào ngày thứ ba. Ngày thứ 4 là ngày ăn mừng và đề cao giá trị tình nghĩa vợ và chồng, gọi là Padwa hay còn biết đến tên gọi khác là Govardhan Puja- lễ tại ơn thần Krishna. Ngày cuối cùng là Bhai Duj, ngày dành riêng cho tình anh chị em trong gia đình. Một trong những điểm ấn tượng nhất trong lễ hội Diwali là nhà nhà đốt pháo, người người đốt pháo. Kết hợp với những chiếc đèn bằng đất sét Diyas được thắp sáng, tạo thành một lễ hội ánh sáng vô cùng huy hoàng và rực rỡ. Qua đó con người mong ước ý nghĩa chiến thắng của chính nghĩa.

Lễ hội màu sắc Holi là một lễ hội màu sắc truyền thống quan trọng của đất nước Ấn Độ. Cũng như những quốc gia có nhiều cộng đồng người theo đạo Hindu sinh sống, diễn ra vào mùa thu hàng năm. Đây là một lễ hội vô cùng đặc sắc, thể hiện sự tự do, bình đẳng, không giai cấp trong xã hội qua hành động ném bột màu vào nhau. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng nhận ra nét đặc trưng của lễ hội này là bất kỳ người nào đi qua thì sẽ bị ném bột màu, nước màu vào người. Thông thường, sau khi nghi lễ thắp đèn truyền thống hoàn thành, cũng là lúc mọi người được tự do, vui vẻ cùng nhau thưởng thức đồ ăn, ném bột màu và hòa mình vào không khí sôi động của những điệu nhảy truyền thống độc đáo. Những loại bột màu được sử dụng có rất nhiều màu sắc sặc sỡ. Nhưng nó đều được pha trộn từ những màu sắc có trong tự nhiên và dễ dàng tẩy rửa sau khi kết thúc lễ hội như: màu vàng nghệ tây, gỗ đàn hương, hoa hồng... Trò chơi ném màu thú vị này luôn luôn thu hút tất cả mọi người tham gia, nó cũng làm không ít du khách hứng thú. Mọi người cứ như một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc và vô cùng sống động.

 

Các nghi lễ, lễ hội nêu trên đều là các hoạt động giúp cho người dân Ấn Độ thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của bản thân, là giải pháp giúp người dân tìm được sự bình yên, gạt bỏ được những bất công, sự áp bức bóc lột mà họ phải chịu đựng trong cuộc sống. đây chính là nguồn gốc xã hội thứ hai: “ sự bất lực của con người trước các thế lực của xã hội”.

 

 

4.    Quan điểm của Anh/chị về vấn đề sự phát triển của khoa học và tôn giáo trong thời đại ngày nay.

Thế giới và cả nhân loại đang bước vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ có tác động mạnh mẽ tới quá trình toàn cầu hóa, là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình này. Những tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và công nghệ bao gồm những phát minh, sáng chế, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các giống mới, các phương pháp công nghệ hiện đại, các lý thuyết và phương thức quản lý mới trong mọi lĩnh vực được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất lao động, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội với chi phí thấp hơn, giá rẻ hơn, tạo ra tiền đề thúc đẩy sự hình thành và phát triển sự phân công, chuyên môn hóa lao động, sản xuất và kinh doanh theo ngành nghề, vùng lãnh thổ và giữa các quốc gia. Nhờ đó, thương mại và trao đổi quốc tế về hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động và tri thức ngày một tăng. Sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai đã mở đường cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của thị trường thế giới. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất chủ yếu dựa vào máy hơi nước, sắt và than thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai chủ yếu dựa vào máy chạy bằng nhiên liệu lỏng, điện và năng lượng nguyên tử và những vật liệu đặc biệt: kim loại không sắt, chất dẻo, sợi hóa chất, đặc biệt là dựa vào những thành tựu của lĩnh vực thông tin và phương thức quản lý mới. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành giao thông và kỹ thuật thông tin làm cho thế giới bị thu nhỏ lại về không gian và thời gian. Các chi phí về vận tải, về thông tin ngày càng giảm, sự cách trở về địa lý dần được khắc phục, các quốc gia và dân tộc trở nên gần gũi hơn với những hình ảnh và thông tin được truyền hình liên tục về các sự kiện đang xẩy ra ở mọi nơi trên trái đất. Càng ngày, khoa học và công nghệ càng phát triển, nhân loại đang dần tiến tới những bước tiến mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sự phát triển của khoa học và kĩ thuật ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và tồn tại của tôn giáo. Sự phát triển này tưởng chừng như khiến cho tôn giáo dần mất đi bởi vì tôn giáo phản ánh thế giới quan hư ảo trong tâm trí của con người, tôn giáo là liều thuốc an thần giúp cho con người biện minh cho những vấn đề mà con người chưa khám phá ra, những vấn đề vượt xa sự hiểu biết của con người. Thế giới ngày càng trở nên hiện đại, kéo theo đó là sự hiểu biết của con người đang ngày một được nâng cao. Chúng ta có thể khẳng định rằng thế giới quan của con người ngày càng được mở rộng. Con người dần khám phá ra những câu hỏi mà ta đã đặt ra trước đó, những điều bí ẩn trên thế giới không còn là điều gì quá xa lạ đối với con người. Vì thế con người không cần đến tôn giáo để giải thích cho những điều mà họ chưa giải thích được. Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất phát triển, con người đã dần làm chủ được những sức mạnh của thiên nhiên. Con người ngày càng phát triển, chế ngự được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải làm theo ý muốn của con người. Nếu ngày xưa, khi con người còn chưa có sự phát triển, còn phải lệ thuộc vào thiên nhiên, ví dụ như mỗi khi bão lũ, con người vì chưa hiểu biết nên sẽ mặc nhiên coi đó là hiện tượng do thần linh trừng phạt lên con người, con người chỉ biết chấp nhận sự trừng phạt ấy. Tuy nhiên ngày nay khi khoa học và công nghệ phát triển, kỹ thuật và tay nghề của con người phát triển thì khi đứng trước những hiện tượng bão lú ấy, con người đã tự biết khắc phục bao lũ bằng cách đắp đê, xây đập thủy điện. Không dừng lại ở đó, con người còn tận dụng thiên tai bão lũ để đem lại lợi ích cho chính con người, đập thủy điện do con người xây sẽ tận dụng những cơn mưa, những trận lũ để có thể sản xuất ra điện phục vụ đời sống sản xuất cho con người. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy con người trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển đã ngày càng chế ngự được thiên nhiên, khiến thiên nhiên phục vụ cho con người, vì mục đích, lợi ích của con người.

Tôn giáo càng ngày càng có nguy cơ bị biến mất trước những sự phát triển của khoa học và kỹ thuật trong thời đại ngày nay. Đời sống của con người ngày càng được phát triển và nâng cao (cả đời sống thể chất lẫn tinh thần). Tôn giáo ra đời nhằm mục đích thỏa mãn đời sống tinh thần của con người, tuy nhiên ngày nay, con người lại tìm kiếm đến những thú vui khác ngoài tôn giáo để có thể đáp ứng được nhu cầu tinh thần của bản thân. Có hàng trăm những hoạt động giải trí khác nhau được ra đời thay cho tôn giáo đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân. Sự ra đời của các hình thức giải trí khác nhau đẫ khiến cho tốn giáo mất đi chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, đến một giai đoạn lịch sử nào đó khi khoa học và giáo dục giúp cho đại đa số quần chúng nhân dân nhận thức được bản chất các hiện tượng tự nhiên và xã hội một cách khoa học và đầy đủ thì tôn giáo sẽ dần mất đi vị trí của nó trong đời sống xã hội và cả trong nhận thức, niềm tin của mỗi người.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm tôn giáo ngày càng bị tiêu vong do sự phát triển của khoa học và công nghệ, em cho rằng tôn giáo ngày nay đã có sự biến đổi gắn liền với sự phát triển của thời đại khoa học và công nghệ. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, nghĩa là có sự hình thành, tồn tại và phát triển trong những giai đoạn lịch sử nhất định, nó có khả năng biến đổi để nhằm thích nghi với nhiều điều kiện chính trị xã hội. Khi các điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện lịch sử thay đổi, tôn giáo cũng có sự thay đổi theo. Trong quá trình vận động của các tôn giáo, chính các điều kiện kinh tế xã hội, lịch sử cụ thể đã làm tôn giáo bị phân liệt, chi thành nhiều tôn giáo, nhiều hệ phái khác nhau. Mặt khác quá trình vận động biến đổi của từng gia đoạn lịch sử tôn giáo có sự biến đổi sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, kết cấu chính trị và xã hội của giai đoạn đó.

Trong điều kiện thế giới ngày càng phát triển về khoa học và công nghệ hiện nay, tôn giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng và luôn luôn tồn tại song hành với xã hội của con người. Tôn giáo vẫn còn tồn tại lâu dài trong thời đại công nghệ và khoa học phát triển, đó là một thực thể khách quan do các nguyên nhân chủ yếu sau đây: nguyên nhân kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa, nhận thức, và nguyên nhân tâm lý.

Xét về nguyên nhân kinh tế, trong quá trình xây dựng một  xã hội phát triển dựa trên trình độ cao về khoa học và kỹ thuật, chúng ta đã từng bước tạo dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tăng cho mọi thành viên trong xã hội, những thành quả đó là vô cùng to lớn, tuy nhiên chúng chưa đủ để tạo ra sự biến đổi triệt để và sâu sắc trong đời sống ý thức, tư tưởng của mỗi cá nhân, khi mà sự biến đổi về ý thức, tư tưởng thường chậm hơn sự biến đổi của các điều kiện kinh tế xã hội.

Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển, nền kinh tế của xã hội là nền kinh tế nhiều thành phần với sự khác nhau về lợi ích của các giai tầng trong xã hội, và những mặt trái của nó như: sự bất bình đẳng lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các giai tầng, giữa các cộng đồng dân cư, sự phân hóa giàu nghèo… đã khiến cho con người chịu sự tác động mạnh mẽ của những yếu tố ngẫu nhiên may rủi… từ đó con người lại tìm đến tôn giáo như một niềm an ủi tinh thần.

Trên thế giới, cho dù khoa học và công nghệ có phát triển đến nhừng nào thì ở đâu đó vẫn còn sự tồn tại của đấu tranh giai cấp. Các cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xã hội khác nhau diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi và phức tạp; trong đó, nhiều lực lượng chính trị vẫn chú ý và duy trì tôn giáo vào nhiều mục đích chính trị khác nhau. Mặt khác những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tình trạng bạo loạn, khủng bố… vẫn liên tục xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Nỗi sợ của quần chúng nhân dân về chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật… cùng với những mối đe dọa khác là điều kiện thuận lợi cho tôn giáo tồn tại và phát triển. Trong điều kiện mới, tôn giáo cũng có khả năng tự biến đổi và thích nghi để “đồng hành cùng với dân tộc”, chấp nhận những điều kiện chính trị xã hội mới, những biến đổi của xã hội đặc biệt là sự phát triển của khoa học và công nghệ để tồn tại. Hơn nữa, trong bản thân mỗi tôn giáo đều chứ đựng những giá trị đạo đức, văn hóa phù hợp với mực đích, yêu cầu của công cuộc xây dựng xã hội mới (phát triển về khoa học và kĩ thuật) có khả năng đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.

Về nguyên nhân văn hóa, ở một mức độ nào đó, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, có khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và có ý nghĩa giáo dục về ý thức cộng đồng, đạo đức, phong cách, lối sống. Nhiều giá trị văn hóa của các tôn giáo (cả văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, cả tư tưởng văn hóa lẫn đời sống văn hóa) đang có những đóng góp to lớn và trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa mỗi dận tộc, mỗi quốc gia. Mặt khác, tín ngưỡng, tôn giáo có liên quan đến tình cảm, tư tưởng của một bộ phận dân cư, và do đó, sự tồn tại của tôn giáo trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như một hiện tượng xã hội khách quan.

Về nguyên nhân nhận thức: Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới,… đã giúp con người có thêm khả năng để nhận thức xã hội và làm chủ tự nhiên. Song, hiện thực khách quan là vô cùng vô tận, tồn tại đa dạng và phong phú , còn rất nhiều vấn đề mà hiện tại khoa học vẫn chưa thể làm rõ. Chính sự phát triển của khoa học và công nghệ luôn tạo ra những khoảng trống mới trong nhận thức, và do đó càng khẳng định những điều con người chưa biết còn vô cùng, vô tận. Những sức mạnh tự phát của tự nhiên, xã hội đôi khi rất nghiêm trọng, còn tác động và chi phối đời sống con người. Do vậy, tâm lý sợ hãi, trông chờ, nhờ cậy và tin tưởng vào thánh thần , đấng siêu nhiên… chưa thể thoát ra khỏi ý thức của nhiều người trong xã hội. Hơn nữa, trong thời đại phát triển ngày nay, mặt bằng dân trí của nhân dân còn chưa thực sự cao, khả năng nhận thức những vấn đề xảy ra trong cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiếp đến là nguyên nhân về tâm lý. Trong thời đại xã hội ngày càng có sự phát triển về khoa học và kỹ thuật, những cơ sở tồn tại và phát triển của tôn giáo vẫn chưa thể mất đi. Những sức mạnh tự phát của tự nhiên, xã hội nhiều khi vẫn tác động mạnh mẽ, chi phối sâu sắc đời sống con người, con người vẫn cảm thấy bất an, sợ hãi khi đối mặt với những tác động đó. Mặt khác, khi tôn giáo đã ăn sâu vào đời sống tinh thần, ảnh hưởng sâu sắc đến cách nghĩ, lối sống của một bộ phận quần chúng nhân dân thì nó sẽ trở thành phong tục tập quán, thành một kiểu sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

C –  Kết luận :

 

 

Tôn giáo là 1 hiện tượng lịch sử thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Trên thế giới có tới hàng nghìn loại hình tôn giáo khác nhau. Do cách tiếp cận, mục đích nghiên cứu khác nhau, cách hiểu về tôn giáo vì vậy cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ, quan điểm Mácxít về bản chất của tôn giáo chúng ta mới hiểu rõ nét được bản chất của tôn giáo. Tôn giáo, về bản chất, không phải sản phẩm của thần thánh, cái siêu nhiên thần bí mà là sản phẩm của xã hội. Tôn giáo là hiện tượng thuộc đời sống tinh thần của xã hội, chịu sự quy định của đời sống vật chất. Ở đây không phải tinh thần, ý thức quyết định đời sống hiện thực mà ngược lại, ý thức, trong đó có ý thức tôn giáo, chỉ là ý thức cá nhân, cộng đồng người trong xã hội, phản ánh tồn tại xã hội.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy được rằng: Tôn giáo được sinh ra là nhờ đến nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, tuy nhiên xét về nguồn gốc xã hội của tôn giáo thì ta có thể kể đến hai yếu tố chính làm nên sự ra đời và tồn tại của tôn giáo trong xã hội loài người. Thứ nhất, do sự hạn chế về khả năng chinh phục của con người trước sức mạnh tự phát của giới tự nhiên hay xã hội đã khiến cho con người sợ hãi, con người cảm thấy bản thân nhỏ bé trước những sức mạnh to lớn ấy, từ đó dẫn tới sự hình thành tín ngưỡng và cao hơn nữa là sự ra đời và tồn tại của tôn giáo. Thứ hai, trong xã hội có sự thống trị của các giai cấp áp bức bóc lột, giai cấp này đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo,… để ru ngủ sự phản kháng của nhân dân lao động trước những bất công, sự bóc lột áp bức đó.

Các quan điểm xoay quanh vấn đề sự phát triển của khoa học và tôn giáo trong thời đại ngày nay đều đã được đưa ra và đánh giá một cách khách quan. Có quan điểm cho rằng: “ Tôn giáo càng ngày càng có nguy cơ bị biến mất trước những sự phát triển của khoa học và kỹ thuật trong thời đại ngày nay”, bên cạnh đó là quan điểm: “Trong điều kiện thế giới ngày càng phát triển về khoa học và công nghệ hiện nay, tôn giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng và luôn luôn tồn tại song hành với xã hội của con người”. Hai luông ý kiến trên, chúng ta không thể đáng giá được ý kiến nào là ý kiến đúng, cái nào là sai. Để nhận định được chúng, ta cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu và chứng minh thêm.

 

 

 

 

 

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

1, PGS.TS. Trần Đăng Sinh (2017), Tôn giáo học, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 19,27

2, Giáo trình Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học (2021), NXB Chính Trị Quốc Gia sự thật, trang 289, 298.

3, https://partnergroup.vn/ton-giao-cac-vi-than-hindu/

4,https://toplist.vn/top-list/le-hoi-van-hoa-truyen-thong-dac-sac-nhat-cua-an-do-23438.htm

5, https://nghiencuuquocte.org/2016/03/04/che-do-dang-cap-cua-an-do/

6, https://www.absolutviajes.com/vi/india/vishnu-uno-de-los-dioses-mas-importantes-de-la-india/

7, https://www.migolatravel.com/kham-pha-nen-van-minh-qua-nhung-thanh-tuu-noi-bac/

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TƯ TƯỞNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI KỲ BẮC THUỘC

I.                Cơ sở giai đoạn của thời kì Bắc thuộc và chính sách cai trị  1.1. Thời thuộc Hán 1.2. Thời thuộc Ngô, Tấn, Tống, Tề,...